50 năm Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.
Chiến dịch Lam Sơn 719 do quân đội ngụy thực hiện với sự yểm trợ của không quân và pháo binh Mỹ, là cố gắng cao nhất trong nỗ lực thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".
Địch huy động toàn bộ lực lượng tổng trù bị chiến lược, cùng lực lượng cơ động của Quân khu 1/Quân đoàn 1, lực lượng tiếp vận của VNCH, hai binh đoàn cơ động quân đội phái hữu Lào tham gia phối hợp, với sự yểm trợ của quân Mỹ; tổng quân số lúc cao nhất lên tới 55.000 lính.
Mục tiêu của chiến dịch là phá vỡ hệ thống hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (QGP) tại Lào, cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh tại thị trấn Tchepone cách biên giới Việt - Lào 42 km về phía tây.
Chiến dịch này còn là phép thử về khả năng tự chiến đấu của quân đội ngụy trong tình huống Mỹ tiếp tục rút quân ra khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam.
Những sai lầm cố hữu trong hệ thống chỉ huy, hạn chế trong lập kế hoạch, sự bất lực của các chỉ huy quân sự và chính trị Mỹ và VNCH khi đối mặt với thực tế chiến sự và yếu kém tại thực địa khiến Lam Sơn 719 sụp đổ hoàn toàn khi đối mặt với sự phản kháng kiên quyết và khéo léo của QGP.
Chiến dịch này là thảm họa đối với VNCH, xóa sổ những đơn vị thiện chiến nhất của quân đội ngụy và phá tan sự tự tin được xây dựng trong ba năm trước đó. Đối với Mỹ, chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" đã thể hiện thất bại trong chiến dịch này.
Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào còn đánh dấu bước phát triển mới của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chiến sự bùng nổ ở Hạ Lào không giống như bất cứ trận chiến nào trước đó trong Kháng chiến chống Mỹ.
Đây là lần đầu tiên QGP bỏ chiến thuật cũ và phản công theo kiểu chiến tranh chính quy truyền thống, lần đầu tiên QGP mở các đợt tấn công lớn bằng bộ binh được thiết giáp và pháo binh hạng nặng yển trợ nhằm đè bẹp các vị trí của QLVNCH. Hiệp đồng tác chiến của hỏa lực phòng không đã làm cho yểm trợ không quân chiến thuật và tăng viện bằng không quân của Mỹ chịu nhiều thiệt hại.
Chiến dịch được QGP dự báo từ trước và chuẩn bị sẵn lực lượng đón lõng, cho thấy nỗ lực của Mỹ và VNCH đã thất bại từ trong trứng. VNCH biết chắc thất bại nhưng vẫn tiến hành chiến dịch vì lý do chính trị, như lời anh Sáu Thiệu: "Chỉ cần đến Tchepone rồi rút về. Chúng nó yếu máu lắm rồi, tôi đã lừa anh em bao giờ chưa?"
#j2team_share, #vietnamhistory, #lichsuvietnam, #chiendichduong9, #vietnam, #laos
NHỮNG ANH HÙNG TRẺ TUỔI
1. Lý Tự Trọng (1914-1931), tên thật Lê Hữu Trọng, quê gốc ở Hà Tĩnh nhưng sinh ra ở Thái Lan và từng học tập ở Trung Quốc.
Năm 1929, anh về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và làm liên lạc cho xứ uỷ Nam Kỳ với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 9/2/1931, trong buổi kỷ niệm một năm cuộc bạo động Yên Bái, Lý Tự Trọng bắn chết tên thanh tra mật thám Lơ Gơrang rồi bị bắt. Tại phiên tòa xét xử, anh tuyên bố: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Ngày 21/11 cùng năm, trước khi lên máy chém, chàng trai 17 tuổi đã hô tên Việt Nam và hát bài Quốc tế ca, giữ vững tinh thần cách mạng đến phút cuối đời.
2. Nguyễn Văn Cừ (1912-1941), quê Bắc Ninh, tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi.
Ông từng bị Pháp bắt, đày đi Côn Đảo. Năm 1936, sau khi được thả tự do, Nguyễn Văn Cừ tiếp tục hoạt động bí mật ở Hà Nội.
Ông được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 26 tuổi. Tháng 6/1940, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án tử hình và bị xử tử vào ngày 28/8/1941. Hy sinh khi còn rất trẻ, nhưng Nguyễn Văn Cừ đã có những đóng góp quan trọng vào cách mạng Việt Nam.
Tác phẩm Tự chỉ trích của ông góp phần lớn trong công tác sửa đổi lối làm việc, khơi dậy ý thức tự tu dưỡng và tự rèn luyện của thanh niên lúc bấy giờ.
3. Nguyễn Văn Trỗi (1940-1964), quê Quảng Nam, tham gia Biệt động thành khi gia đình chuyển vào Sài Gòn.
Ngày 2/5/1964, anh thay đồng đội nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Mỹ. Việc bại lộ, anh bị bắt ngày 9/5/1964. Tòa án quân sự chính quyền Việt Nam Cộng hòa kết án tử hình, ra lệnh xử bắn Nguyễn Văn Trỗi vào ngày 15/10/1964 tại khám Chí Hòa.
Trong những phút cuối đời, anh không đồng ý bịt mắt, xưng tội và hô vang khẩu hiệu quyết chiến.
4. Võ Thị Sáu (1933-1952) sinh ra trong gia đình nghèo ở tỉnh Bà Rịa.
Trải qua nhiều thử thách, năm 14 tuổi, chị được kết nạp vào Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ. Trong quá trình hoạt động, chị Sáu luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, nắm tình hình, cung cấp và báo cáo kịp thời cho tổ chức nhiều tin tức quan trọng.
Tháng 2/1950, Võ Thị Sáu dùng lựu đạn tấn cônghai tên ác ôn thất bại và bị bắt. Chị bị đày ra Côn Đảo chờ ngày xử tử. Tại đây, chị Sáu được Chi bộ nhà tù Côn Đảo kết nạp chính thức vào Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 23/1/1952, trên pháp trường, Võ Thị Sáu vẫn giữ vững khí thế hiên ngang, nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù, hô to: “Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm!”.
5. Nguyễn Viết Xuân (1933-1964) là con gia đình nghèo ở Vĩnh Phúc.
Năm 1952, anh nhập ngũ, trở thành chiến sĩ trinh sát, từng giữ chức vụ tiểu đội trưởng trinh sát, trung đội trưởng pháo cao xạ trước khi làm chính trị viên đại đội. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Viết Xuân anh dũng chiến đấu, cùng đồng đội giành chiến thắng. Năm 1964, Mỹ ném bom miền Bắc.
Bất chấp nguy hiểm, Nguyễn Viết Xuân lao ra khỏi công sự, đứng bên khẩu đội 3 đĩnh đạc hô lớn: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”.
Bị thương nặng, thiếu úy trẻ thản nhiên bảo y tá cắt chân, chỉ định người thay thế, bình tĩnh phân công nhiệm vụ trước khi hy sinh.
6. Trần Văn Ơn (1931-1950) là con của một công chức nghèo ở tỉnh Bến Tre.
Năm 16 tuổi, anh tham gia phong trào học sinh yêu nước, là thành viên chủ chốt trong phong trào học sinh yêu nước của trường Pétrus Ký.
Ngày 9/1/1950, lính Pháp nổ súng vào cuộc biểu tình của học sinh. Anh dũng cảm che chở cho các bạn chạy thoát và anh dũng hy sinh. Hàng chục nghìn người dân Sài Gòn đã xuống đường dự đám tang Trần Văn Ơn. Sau này, ngày 9/1 được lấy làm ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam.
7. Vừ A Dính (1934-1949) sinh ra trong gia đình người Mông ở tỉnh Lai Châu.
Anh giác ngộ cách mạng từ rất sớm, trở thành đội viên liên lạc của đội vũ trang huyện Tuần Giáo khi mới 13 tuổi.
Trong một lần làm nhiệm vụ, Vừ A Dính bị giặc bắt. Đòn roi tra tấn dã man không thể khiến chiến sĩ nhỏ tuổi khuất phục. Ngày 15/6/1949, quân Pháp bắn chết Vừ A Dính.
8. Cù Chính Lan (1930-1951) sinh ra ở Nghệ An.
Năm 1946, anh gia nhập Vệ quốc đoàn.
Ngày 13/12/1951, trong trận tấn công cứ điểm Giang Mở, tiểu đội trưởng Cù Chính Lan dũng cảm đuổi theo, thả lựu đạn đã rút chốt vào xe tăng địch.
Ngày 29/12/1951, trong trận đánh đồn Cô Tô, anh bị thương nặng nhưng vẫn phá mở hàng rào thép gai, dốc hết tinh thần chiến đấu và hy sinh ngay khi trận đánh kết thúc. Năm đó, anh vừa tròn 20 tuổi, là tiểu đội trưởng bộ binh, Đại đoàn 304, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
9. Đặng Thùy Trâm (1942-1970) sinh ra trong gia đình trí thức ở Hà Nội.
Năm 1966, sau khi tốt nghiệp loại ưu, chị xung phong vào chiến trường miền Nam. Sau 3 tháng hành quân, tháng 3/1967, Thùy Trâm đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ. Ngày 27/9/1968, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh khi chưa đầy 28 tuổi. Cuộc đời chị qua những dòng nhật ký là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ phấn đấu noi theo.
10. 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc là các nữ thanh niên xung phong tuổi từ 17 đến 24.
Các cô thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom đánh phá trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ngày 24/7/1968, 10 cô làm nhiệm vụ như mọi ngày.
16h30, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô gái trẻ đang tránh bom. Tất cả đã chết khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa lập gia đình.
#j2team_share, #vietnamhistory
Một số thành viên của J2Team cũng quan tâm đến lịch sử, em xin phép đăng tiếp:
10 CHIẾN DỊCH THẦN KỲ TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM
1. Trận chiến trên sông Bạch Đằng (938)
Trước khi tử trận trên sông Bạch Đằng năm 938, Lưu Hoằng Tháo không thể tưởng tượng việc quân dân người Việt do Ngô Quyền lãnh đạo sẽ tận dụng quy luật thủy triều để biến những bãi cọc ngầm cắm dưới lòng sông thành thứ vũ khí hủy diệt có sức mạnh kinh hồn. Thảm bại trong trận Bạch Đằng, quân Nam Hán đã phải bỏ mộng xâm chiếm nước Việt.
2. Chiến thắng quân xâm lược nhà Tống (1075)
Năm 1075, trước âm mưu xâm lược của nhà Tống, vua quan nhà Lý đã đưa ra chủ trương "Tiên phát chế nhân", đem quân sang đất địch đánh trước để chặn thế mạnh của chúng. Lý Thường Kiệt đã chỉ huy 40.000 quân đánh các châu Khâm, Liêm trên đất Tống, hạ hàng loạt thành lũy, hủy hoại nặng nề sinh lực của quân Tống, khiến kế hoạch xâm lược của chúng bị trì hoãn, tạo điều kiện cho quân ta củng cố lực lượng và giành thắng lợi trong cuộc quyết chiến sau này.
3. Đại thắng quân Nguyên Mông (1288)
Trên sông Bạch Đằng năm 1288, chiến thuật chôn cọc gỗ kinh điển mà Ngô Quyền sử dụng 350 năm trước lại được Trần Hưng Đạo Trần Quốc Tuấn tái hiện. Trong trận thủy chiến được đánh giá là lớn nhất lịch sử dân tộc này, quân Đại Việt đã đánh bại hoàn toàn quân xâm lược Nguyên Mông - đội quân thiện chiến nhất thế giới thời đó.
4. Trận chiến tiêu diệt chiến hạm của Công ty Đông Ấn Hà Lan (1643)
Mùa hè 1643, Công ty Đông Ấn Hà Lan - thế lực hải quân hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc đó - phái 3 pháo hạm mạnh hội quân với họ Trịnh tại sông Gianh (Quảng Bình). Trong hải trình, hạm đội này đã bị gió thổi dạt vào gần cảng Eo ở Đàng Trong (Thừa Thiên - Huế). Dù có ý kiến can ngăn vì sợ người Hà Lan, chúa Nguyễn vẫn đưa 50 thuyền chặn đánh quyết liệt, tiêu diệt chiến hạm lớn nhất của kẻ thù, khiến hai chiến hạm còn lại bỏ chạy. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử người Việt chiến thắng một hạm đội châu Âu, đồng thời cũng là một sự tổn thương nặng nề đối với thanh thế của Công ty Đông Ấn Hà Lan.
5. Cuộc Bắc tiến đại phá quân Thanh (1788)
Cuộc Bắc tiến đại phá quân Thanh do Hoàng đế Quang Trung tiến hành cuối năm 1788, đầu năm 1789 được coi là một cuộc hành quân thần tốc khó tin trong lịch sử dân tộc. Từ Phú Xuân (Huế), Hoàng đế Quang Trung chỉ mất 40 ngày (trong đó có 10 ngày dừng lại tại Nghệ An tuyển quân) đưa đại quân tiến về Thăng Long đánh đuổi quân Thanh. Do không thể tin quân Tây Sơn có thể tiến nhanh như vậy, quân xâm lược đã hoàn toàn mất cảnh giác và phải chịu sự thảm bại nặng nề.
6. Trận đại thủy chiến ở đầm Thị Nại (1801)
Trong trận đại thủy chiến ở đầm Thị Nại diễn ra giữa quân Tây Sơn và chúa Nguyễn vào năm 1801, quân Nguyễn đã sử dụng lối đánh tập kích thọc sâu bất ngờ và đòn hỏa công tương tự trận Xích Bích diễn ra ở Trung Hoa 16 thế kỷ trước để hủy diệt hạm đội khổng lồ, tưởng như không thể nào bị đánh bại của quân Tây Sơn. Với thất bại này, thủy quân Tây Sơn hầu như đã sụp đổ hoàn toàn, nhường cho nhà Nguyễn nắm giữ quyền kiểm soát vùng biển.
7. Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)
Người Pháp từng tin rằng căn cứ Điện Biên Phủ là một pháo đài không thể công phá. Tuy vậy, bằng tài năng quân sự tuyệt vời của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biến niềm tin của họ trở thành sự tuyệt vọng với chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
8. Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968)
Trước khi cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 nổ ra, ngay cả những người Mỹ có trí tượng tượng phong phú nhất cũng không thể hình dung nổi cảnh các chiến sĩ Giải phóng đánh trực diện vào các địa điểm trọng yếu tại Sài Gòn như Toà Đại sứ quán Mỹ, dinh Tổng thống, đài phát thanh, bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất... Chiến dịch quân sự này đã gây tiếng vang lớn, tạo bước đột phá buộc Mỹ xuống thang chiến tranh đi vào đàm phán.
9. Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (1972)
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972, lực lượng phòng không - không quân của miền Bắc Việt Nam đã làm được điều mà người Mỹ không thể tin nổi: Bắn hạ 34 “siêu pháo đài bay” B-52, đập tan hoàn toàn mưu đồ kéo dài chiến tranh của Mỹ và buộc họ phải quay trở lại bàn đàm phán tại Paris.
10. Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975)
Cuối tháng 9/1974, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp tại Hà Nội đã đưa ra bản dự thảo kế hoạch chiến lược Chiến dịch mùa xuân 1975, dự định hoàn thành việc thống nhất 2 miền Bắc - Nam trong 2 năm 1975-1976. Tuy vậy, với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, chiến dịch Mùa Xuân 1975 đã được tiến hành khẩn trương và quyết đoán, đem lại chiến thắng cuối cùng cho dân tộc vào ngày 30/4/1975.
Nguồn: Sưu tầm
#j2team_share, #vietnamhistory, #lichsuvietnam